Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Giúp học sinh học tốt tập làm văn

Tập làm văn là phân môn cuối cùng của quá trình luyện tập cho học sinh có năng lực sử dụng tiếng Việt, làm công cụ giao tiếp và tư duy. Để làm được bài văn, học sinh phải huy động vốn kiến thức nhiều mặt như: các hiểu biết về cuộc sống, tri thức về văn học, khoa học, xã hội… học sinh lại còn phải sử dụng nhiều loại kỹ năng như: dùng từ đặt câu, dựng đoạn, tạo văn bản, kỹ năng phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý… Do đó tập làm văn mang tính thực hành toàn diện, tổng hợp.


Tập làm văn là phân môn cuối cùng của quá trình luyện tập cho học sinh có năng lực sử dụng tiếng Việt, làm công cụ giao tiếp và tư duy. Để làm được bài văn, học sinh phải huy động vốn kiến thức nhiều mặt như: các hiểu biết về cuộc sống, tri thức về văn học, khoa học, xã hội… học sinh lại còn phải sử dụng nhiều loại kỹ năng như: dùng từ đặt câu, dựng đoạn, tạo văn bản, kỹ năng phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý… Do đó tập làm văn mang tính thực hành toàn diện, tổng hợp.

Vì sao?
Tập làm văn mang tính sáng tạo, một bài văn thể hiện một sự suy nghĩ, hiểu biết mang đậm màu sắc cá nhân, là những sản phẩm không lặp lại của mỗi học sinh.

Hãy bồi dưỡng tâm hồn các em bằng ngôn ngữ đầy chất văn học
Tuy nhiên, trong những giờ dạy môn này thường gặp không ít những khó khăn. Nhất là trong giờ tập làm văn miệng, vì hầu hết học sinh rất thụ động, ít phát biểu, có chăng là học sinh khá giỏi, thường thì các em cũng chỉ trả lời. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh quá nghèo vốn từ, từ đó dẫn đến tình trạng diễn đạt lủng củng, rời rạc thậm chí sử dụng từ sai, chưa hợp lý.
Cung cấp vốn từ như thế nào?
Vốn từ phong phú là yếu tố quan trọng để giúp học sinh có thể tham gia vào các hoạt động giao tiếp ngôn từ một cách có hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là đào tạo con người phát triển toàn diện, hoàn thiện năng lực ngôn ngữ cho học sinh, bao gồm cả việc làm giàu vốn từ tiếng mẹ đẻ cho các em.
Để làm giàu vốn từ cho học sinh, trước hết chúng ta phải tìm hiểu các khả năng tiếp nhận từ ngữ của mỗi học sinh. Mỗi em có một khả năng tiếp nhận một số lượng từ nhất định.
Mục tiêu đầu tiên của việc làm giàu vốn từ là giúp học sinh tích lũy và mở rộng vốn từ các đơn vị từ vựng. Trước hết phải giúp cho các em nắm từ, nắm từng từ cụ thể, nắm từ trong tính chỉnh thể âm - nghĩa của nó. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ tiếng Việt chúng ta còn cần cung cấp thêm cho học sinh vốn từ Hán Việt để từ đó học sinh có cơ sở để nhận, để tự mình tái hiện, tái tạo những từ Hán Việt cụ thể trong quá trình đọc, nghe, nói và viết.
Khi nói và làm giàu vốn từ, không nên chỉ nghĩ đến mặt số lượng mà còn phải quan tâm đến mặt chất lượng. Giáo viên không nên nôn nóng gán ép cho học sinh khối lượng lớn từ ngữ mà không cần biết các em có hiểu được hết nghĩa của chúng hay không và vận dụng chúng như thế nào.
Ngoài việc trang bị thêm những đơn vị từ vựng mới cho học sinh, người giáo viên còn có trách nhiệm hoàn thiện vốn từ đã có của các em (học sinh tiếp nhận nó bằng con đường vô thức) cùng với những hạn chế khác như trình độ tư duy chưa phát triển, kinh nghiệm sống còn ít ỏi cho nên từ ngữ các em nắm chưa chắc.
Trong lúc cung cấp từ ngữ, cần phải dựa vào vốn từ sẵn có của học sinh từ đó mà phát triển bổ sung thêm trên cơ sở kết hợp - cũ - mới mà hệ thống hóa đồng thời từng bước chính xác hóa, chi tiết hóa những nhận thức về nghĩa và giá trị của từ.
Để làm giàu vốn từ cho trẻ, giáo viên cần lưu ý mở rộng vốn từ tích cực (là những từ sử dụng giao tiếp bình thường) và cần thu hẹp vốn từ tiêu cực (không sử dụng trong giao tiếp thông thường) trong quá trình rèn luyện sử dụng từ.
Khi cung cấp vốn từ giáo viên nên khéo léo đi từ nghĩa của từ, gợi dần từ đó bật ra từ cần thiết.
VD: tìm từ trái nghĩa với từ “tươi tốt”. Đầu tiên học sinh cần phải hiểu được nghĩa của từ “tươi tốt”. Từ đó giáo viên gợi ý cho học sinh tìm từ trái nghĩa với từ “tươi tốt” - “không tươi tốt” - “héo úa”.
Làm giàu vốn từ của học sinh qua các phân môn
Thông thường một số người cho rằng chỉ có thể cung cấp vốn từ cho học sinh qua những phân môn từ ngữ, ngữ pháp, tập đọc… Theo tôi, quan niệm đó chưa thật chính xác, chúng ta có thể tăng thêm lượng từ cho học sinh ở bất kỳ một tiết học nào. Sau đây là một vài dẫn chứng tôi thường áp dụng trong một số phân môn.
Trong giờ tập đọc: giáo viên phải làm cho học sinh hiểu nghĩa một số từ cần thiết, hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa “văn chương” của từ ngữ, điều này sẽ có ích cho học sinh khi vận dụng từ. Giáo viên có thể kết hợp với những bài tập điền từ thích hợp.
VD: chọn từ “náo nức” hay từ “tưng bừng” điền vào chỗ trống cho thích hợp:
Chúng em… chào đón ngày khai trường.
Trong phần tìm hiểu bài: giáo viên nên gợi ý khuyến khích học sinh trả lời câu hỏi theo ý mình, hạn chế dần cách trả lời rập khuôn trong sách giáo khoa. Điều này tạo điều kiện cho học sinh vận dụng tối đa vốn từ của mình, đồng thời cũng giúp giáo viên nắm được lượng từ có được ở mỗi học sinh để từ đó có được biện pháp thích hợp để cung cấp từ mới cho các em.
Ngoài ra có thể mở rộng vốn từ cho học sinh qua việc cho học sinh tìm từ trái nghĩa, gần nghĩa, khai thác triệt để vốn từ của học sinh khuyến khích học sinh tìm càng nhiều vốn từ càng tốt.
Trong giờ chính tả: để viết đúng chính tả, học sinh phải nắm được nghĩa của từ.
VD: Học sinh phải phân biệt được nghĩa của hai từ “nặn”, “nặng”.
Nặn: nặn tượng, nặn đất sét.
Nặng: khối lượng của một vật.
Để kích thích học sinh tìm được nhiều từ và hào hứng trong học tập, tôi thường đưa hình thức thi đua theo nhóm, nhóm nào tìm được nhiều từ nhất sẽ thắng cuộc.
Trong giờ kể chuyện: khi nghe chuyện phải hiểu chuyện, muốn thế trước hết phải hiểu từ. Chỉ cố diễn đạt câu chuyện qua giọng nói, điệu bộ không thì chưa đủ mà giáo viên cần cho học sinh nêu ra những từ mà các em chưa hiểu và cũng chưa chính xác các em sẽ đi tìm lời giải thích cho chính mình, tất nhiên phải có sự gợi ý của giáo viên. Nếu những từ có nghĩa không rõ ràng giáo viên có thể đưa vào ngữ cảnh để từ đó học sinh có thể nắm được nghĩa của từ đó.
Khi học sinh kể lại chuyện thì cũng chính là lúc các em vận dụng lại từ mà mình đã nắm. Vì vậy không thể tách rời việc dạy kể chuyện và dạy từ ngữ. Hiểu được từ và có được vốn từ sẽ giúp các em thể hiện thành công hơn câu chuyện. Giáo viên nên khuyến khích học sinh kể lại câu chuyện bằng ý của mình, học sinh có thể thay một số từ trong chuyện bằng những từ địa phương (trong sách thường sử dụng từ ở Hà Nội). Tuy nhiên, sự thay đổi đó phải thích hợp và nghĩa của câu vẫn không thay đổi.

Theo hoigiasu




Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Gia sư có vai trò như thế nào đối với việc học tập của con cái chúng ta?


Gia sư có vai trò như thế nào đối với việc học tập của con cái chúng ta?Cho con học Gia sư sao cho hiệu quả? Đó luôn luôn là câu hỏi phải suy nghĩ đối với các bậc phụ huynh có con em đang theo học phổ thông. Việc này cũng quyết định đến việc các bậc phụ huynh có tìm kiếm một Gia sư về kèm riêng cho con mình không.

Cho con học Gia sư sao cho hiệu quả? Đó luôn luôn là câu hỏi phải suy nghĩ đối với các bậc phụ huynh có con em đang theo học phổ thông. Việc này cũng quyết định đến việc các bậc phụ huynh có tìm kiếm một Gia sư về kèm riêng cho con mình không.


Nhiều bậc phụ huynh luôn đau đầu về việc học tập của con cái và đặc biệt là kết quả lúc nào cũng ở “khu vực” nguy hiểm. Cha mẹ nào mà không muốn con mình học giỏi, tiến bộ vì thế nhiều bậc phụ huynh không tiếc gì tiền của để cho con mình theo học thêm tại các trung tâm bên ngoài hoặc là tìm một gia sư có trình độ về dạy riêng.

 Đối với việc tìm Gia sư để kèm riêng cho con mình thì không phải cứ bỏ tiền để tìm gia sư hoặc tâm sự, chia sẻ với Gia sư về tình hình học tập hoặc tính tình của con mình thì Gia sư có thể giúp con mình tiến bộ lên được.

Tôi khuyên các bậc phụ huynh cũng cần có cái nhìn chính xác và rõ ràng về ảnh hưởng của người Thầy Gia sư đối với việc học tập của con cái chúng ta như thế nào. Đừng quá bi quan cũng như đừng có hy vọng cao quá đối với Gia sư. Vì sự tiến bộ trong học tập của con cái chúng ta phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chất lượng đào tạo của trường, sự quan tâm, động viên của gia đình, kết quả học tập của đám bạn con mình hay chơi, hay như cái quan trọng nhất là tính cách và thái độ của con chúng ta đối với việc học như thế nào - có đam mê và thích thú hay không? hay chỉ là học để khỏi bị “la rầy”.

Và Gia sư chỉ là một phần nhỏ trong những thành tố nêu trên, nếu như người Gia sư có giỏi đến mấy mà những điều kiện khác ở mức độ thấp thì khó mà thay đổi được tình hình học tập của con chúng ta một sớm một chiều được, nhưng nếu như tất các các yếu tố kia rất tốt thì một gia sư tốt chắc chắn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc học của con bạn.


Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm một Gia sư chất lượng thì các bậc phụ huynh cũng cần phải quan tâm đến những yếu tố xung quanh cuộc sống hằng ngày của con cái chúng ta, và đặc biệt là phải tạo nên một niềm tin ở con cái chúng ta, để chúng biết và hiểu rằng chúng ta - những bậc làm cha, làm mẹ luôn chăm lo và lo lắng cho chúng. Ví dụ thay vì la rầy thì chúng ta hãy biết cách lắng nghe, chia sẻ và nhẹ nhàng định hướng cho chúng, đôi khi sự im lặng cũng là một cách để giải quyết vấn đề nếu như trong lúc giận dữ chúng ta kịp suy nghĩ giữa việc la rầy và im lặng một lúc thì cái nào sẽ làm tình hình tốt hơn hoặc tệ hơn.

Và chúng ta luôn nhớ rằng:“Chúng ta là những bậc làm cha, làm mẹ, đối với con cái, chúng ta phải biết kiên nhẫn, phải biết “chịu thiệt”. Ai ai cũng đều mong muốn con cái chúng ta tốt hơn vì thế đừng làm điều gì trong lúc nóng giận mà sau này chúng ta nghĩ rằng nó không cải thiện được điều gì tốt hơn mà lại làm xấu thêm tình hình”.

Sưu tầm




Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Nếu bạn bị mất tập trung trong lúc học

Nếu bạn bị chứng mất tập trung thường xuyên, bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Vì có khoảng gần 4% học sinh cũng bị chứng mất tập trung như bạn. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng có đôi lúc có triệu chứng này.

Triệu chứng:



Các cách dưới đây được coi như là một phần của một chương trình trợ giúp chuyên nghiệp, lấy từ định nghĩa của các bác sỹ Hoa Kỳ về chứng mất tập trung thường xuyên. Tuy nhiên, là học sinh, sinh viên, bạn cũng có cách học riêng, bao gồm “trí thông minh”, (c.f. Kolb), tính cách (c.f. Myers-Briggs), v.v. Bạn cũng nên lưu ý đến những điều này.



Trong lớp:
Trả lời không đúng lượt, hoặc tự dưng ngắt lời thầy cô trong lớp là những biểu hiện thường xuyên, nhưng dù sao, bạn cũng biết là bạn đang cố gắng học
  • Hãy viết câu hỏi hoặc nhận xét của bạn ra giấy trước khi phát biểu
  • Tập thói quen giơ tay xin phát biểu trước khi nói
Ghi chép một nhiệm vụ của học sinh. Các kỹ năng dưới đây có thể hữu ích:
  • Mang máy thu âm đến lớp
  • Học với một người trong lớp
Thực ra, nếu bạn bị bệnh mất tập trung thường xuyên, nghe giảng trên lớp không phải là cách học hơp lý nhất. Bạn nên xin thầy cô một bảng tóm tắt nội dung bài giảng, hoặc hỏi xem liệu có cách nhận bài giảng bằng cách phương tiện khác không.
Để làm theo đúng hướng dẫn của giáo viên:
  • Rút ngắn các hướng dẫn thành một hoặc hai hướng dẫn ngắn gọn và làm theo. Bạn cũng có thể tham khảo và kiểm tra lại với thầy cô giáo. Hoặc
  • Hỏi xem thầy cô có thể chia nhỏ các bài tập, hoặc dự án thành các bước để bạn dễ hoàn thành được không.
Bài tập về nhà:
Để tập trung hơn:
  • Nên tìm một chỗ yên tĩnh ở nhà, tránh tiếng ồn của các thành viên khác trong gia đình, hoặc chó mèo, TV, điện thoại, nhạc…
  • Nếu nhà chật, bố mẹ hoặc gia sư có thể tìm cho bạn một chỗ trong thư viện, nhà hàng xóm, chùa, hoặc nhà thờ (những nơi yên tĩnh)…
  • Headphones có thể giúp tránh tiếng ồn và giúp bạn tập trung
  • Tạo thói quen thường xuyên và thời gian học cố định
   Để ghi nhớ tốt hơn:
  • Tạo thói quen thường xuyên!
    Ví dụ, trước khi đến trường, kiểm tra sách vở, dụng cụ theo cùng một cách giống nhau qua các ngày. Nhờ ai đó giúp bạn tạo thói quen hoặc nhắc nhở những ngày đầu.
  • Giữ các bài, tài liệu ở một ngăn của cặp sách. Nói với thầy cô về điều đó.
  • Giữ danh sách các việc cần làm trong cặp sách.
Để giúp nhớ các tiểu tiết:
  • Cùng bố mẹ, bạn cũng lớp hoặc gia sư xem qua các bài tập bạn đã làm.
  • Dùng phần kiểm tra ngữ pháp và chính tả nếu bạn gõ bài bằng máy vi tính.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn hay sơ suất, hoặc quên các việc nhỏ, không có nghĩa là bạn khôg thông minh, mà thực ra là một triệu chứng của bệnh mất tập trung thường xuyên.
Tìm trợ giúp trong học tập
Lo cho mình và tìm sự trợ giúp nếu cần:
Lòng kiên trì là thử thách cơ bản với những người bị mất tập trung thường xuyên. Nếu bạn đang cảm thấy không vui, chán nản với công việc hoặc học tập thì hãy tìm ai đó có thể giúp bạn. Gia đình, thầy cô, các chuyên gia cũng như chính bản thân chúng ta. Kiên trì là điều quan trọng nhất. Lời khuyên của họ phải tích cực, và hợp lý và nếu không được vậy, thì hãy cố gắng tìm ra là vì sao.




Theo Hiêp hội Phẫu thuật Hoa Kỳ (American Surgeon General) thì “Sự mất tập trung sẽ không biểu lộ rõ ràng cho đến khi đứa trẻ bắt đầu bước vào môi trường học tiểu học. Các em đó gặp khó khăn khi tập trung vào các tiểu tiết, và rất dễ bị phân tán bởi những việc khác cùng xảy ra vào một thời điểm; các em cũng gặp khó khăn khi hoàn thành bài tập, thường bỏ dở hoặc hoãn những việc cần phải nghĩ lâu, các em thường có lỗi bất cẩn, lộn xộn, mất sách mất vở hoặc quên làm bài; thường lơ đãng khi có người hỏi chuyện và không hoàn thành nhiệm vụ.”

Theo hoigiasu



Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

5 bí quyết làm tốt bài thi ĐH môn Vật lý


Điều mà các học sinh lớp 12 đang băn khoăn, lo lắng là ôn tập Vật lý như thế nào để làm tốt bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi ĐH năm nay? Dưới đây là 5 "bí quyết" các bạn học sinh cần chú ý:

1. Nắm rõ các định luật vật lý, các định nghĩa, công thức một cách chính xác.Các bạn hãy tự tóm tắt thật ngắn gọn, nhưng đầy đủ các kiến thức Vật lý cần thiết, đặc biệt là bảng tóm tắt các công thức, các hằng số vật lý thường gặp.
2. Chú ý về đơn vị, thứ nguyên và tính hợp lý của kết quả. Khi làm xong các phép tính, bạn cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, bạn hãy cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không, bạn hãy chú ý về đơn vị và cách viết kết quả theo quy tắc khoa học. Ví dụ nên viết: 1,2.10-3 m thay vì 0,0012 m; hoặc nên viết 3,5.106 m/s thay vì 3500000 m/s!
3. Để ý đến các sơ đồ mạch điện, cách bố trí các quang cụ và các câu hỏi về đồ thị. Dạng câu hỏi này ít được quan tâm trong các kỳ thi tự luận nhưng sẽ xuất hiện nhiều trong bài thi trắc nghiệm. Do các hiện tượng vật lý xảy ra theo những quy luật nhất định nên có thể tìm thấy bài toán đồ thị ở mọi nội dung của chương trình. Kỹ năng đọc và vẽ đồ thị đối với học sinh phổ thông có lẽ chưa được tốt lắm! Bạn hãy luyện tập với loại bài tập này nhiều hơn.
4. Chú ý đến các hiện tượng vật lý và ứng dụng trong thực tế. Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn, ví dụ: Hiện tượng phản xạ thông thường và phản xạ toàn phần; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến; khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; điều kiện để có cộng hưởng, có phản xạ toàn phần, có hiện tượng quang điện, có hiện tượng quang dẫn...
5. Cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất thời gian tính toán.

Theo hoigiasu




Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Bí quyết học và thi đại học





Trích lời Thầy Nguyễn Thượng Võ : "Tôi vẫn nói với học sinh, lên TP ôn thi, các em mất ba điều: tiền bạc, thời gian và sức lực thì các em phải moi cho được ba điều: Kiến thức cơ bản, cách trình bày và tốc độ làm bài."
Kiến thức cơ bản ở đâu?
Để đạt điểm cao, trước hết HS phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Kiến thức cơ bản ở đâu, thì đó là ở trong sách giáo khoa (SGK).

Tôi đi dạy ôn thi nhưng vẫn khuyên các học trò: Các em không cần đến các lò mà vẫn có thể đỗ được. Không cần mua sách gì cao siêu, chỉ cần mua đúng SGK của nhà nước, đặc biệt là 3 cuốn sách bài tập (SBT) Toán, lớp 10, 11, 12.

Tại sao lại là sách bài tập toán? Là vì đề thi ĐH có tới gần một nửa là kiến thức từ lớp 11 và lớp 10. Vì vậy cần có ông thầy tổng kết lại cho.

Nếu không có thầy thì cứ sách bài tập mà làm, lầm tất cả bài tập trong đó là đã có thể yên tâm vào phòng thi ĐH. Trong SBT có cả đáp số, mình làm xong thấy sai thì có thể đối chiếu, tự tìm ra cái sai. Bí quá có thể hỏi các thầy giáo ở địa phương, tôi tin là các thầy đều có thể giải thích được.

Hai đề năm 2003 về tính giá trị lớn nhất nhỏ nhất còn cũng y hệt dạng đề trong SGK, con số còn không lẻ bằng SGK. Đề tích phân khối B năm ngoái còn dễ hơn SGK. Vì sao HS vẫn không làm được, vì coi thường SGK.

Đừng tách ra luyện thi khối A, khối B, khối D vì không có sự chênh lệch rõ rệt về độ khó. Đề năm 2004, câu Tích phân của khối B khó hơn khối A.

Tất nhiên, cũng có những câu của đề khối A ra khó hóc búa để tìm HS giỏi. VD đề khối A năm vừa rồi có thể có câu 5 được 1 điểm để chọn HS giỏi.

Một kinh nghiệm là đừng quá chú tâm vào câu quá khó, đừng có tham bát bỏ mâm. Thà cứ làm tốt tất cả các câu còn lại đi, để được 9 điểm cũng đã đủ đỗ.
Cách trình bày: Sử dụng giấy nháp đúng lúc, đúng chỗ 
Những tính toán lặt vặt đừng có làm vào bài thi, hãy tính ra giấy nháp, Một bài thi chỉ 6-8 mặt giấy là vừa, có người làm đến 12 mặt giấy thì quả là khủng khiếp. Trong hoàn cảnh trời nắng nóng, tìm mãi không thấy đáp số, dễ gây ức chế cho người chấm bài.

Ví dụ, sau khi tính được tích phân, dùng định nghĩa thay giá trị cận trên cận dưới, khi thay số vào có thể làm ra giấy nháp và điền kết quả vào, vì người ta có thể nhẩm được, không thầy nào chấm điểm cho anh khi anh thay số vào cả.

Hoặc như khi giải phương trình bậc hai, anh không cần phải tính delta trong giấy thi, làm luộm thuộm, dài dòng. Nếu không nhẩm được nghiệm thì tính ra giấy nháp và điền kết quả.

Khi vẽ hàm số, tôi vẫn dạy học sinh vẽ chính xác không cần chú trọng bằng vẽ đẹp.

Tốc độ làm bài: Làm luôn ra giấy thi

Có những người nhờ tôi chấm lại bài trên giấy nháp, thấy đúng hết nhưng điểm vẫn thấp. Đó là vì khi anh làm bài trên giấy nháp thì anh tập trung, khi anh chép ra bài thi, đầu đầu óc bắt đầu “lỏng”, vì chủ quan, nghĩ là làm xong rồi.

Thậm chí có em vừa chép vừa nghĩ ra cách giải bài khác nên dòng nọ đánh dòng kia, nhầm con số, vậy là giấy nháp đúng còn bài sai. Vì vậy nên hết sức hạn chế giấy nháp. Hạn chế giấy nháp để tăng tốc độ làm bài.

Ví dụ giải phương trình bậc hai, anh không cần ghi các bước tính ra, hoàn toàn có thể tính ra nháp rồi viết vào vừa sạch đẹp.

Một điều nữa tôi muốn nói, đó là các bạn đừng xao động tâm lý vì những tin đồn, có người gần ngày thi cứ nói sẽ ra đề này, ra đề kia chỉ làm hoang mang tư tưởng, chưa bao giờ tôi thấy các tin đồn đó là chính xác cả.

Tuần cuối cùng trước khi thi không học thêm ở đâu hết, không làm bài tập, anh phải đọc kỹ lý thuyết từ đầu đến cuối. Chúng tôi đi chấm bài, cái sợ nhất là sai cơ bản, sai cơ bản là gạch ngay.

Cái thứ hai là sợ lạc đề, văn lạc đề, sử lạc đề toán cũng có lạc đề vì anh không đọc kỹ đầu bài. VD: Tiếp tuyến tại điểm khác với tiếp tuyến đi qua. Tại điểm chỉ có 1 tiếp tuyến, đi qua có nhiều tiếp tuyến. Chính vì HS không đọc kỹ đề nên mới nhầm

Sau khi phát đề, đừng có cắm đầu làm ngay, hãy dùng 5 phút phát đề để đọc kỹ, gạch ra những ý chính, những từ quan trọng trong đề. Câu nào khó thì đánh dấu hỏi (?) ra bên cạnh. Người ta hỏi tính diện tích thì gạch từ diện tích, khoảng cách thì gạch chân từ khoảng cách…để tránh bị nhầm.

Câu dễ làm trước câu khó làm sau. Đừng tỏ vẻ ta đây có "răng cứng" mà làm "phần xương" nhất trước, đến khi xong thì đã hết cả thời gian mà làm câu nạc rồi. Câu nào dễ, HS nên làm ngay vào giấy thi, chỉ tính ra nháp cái lặt vặt thôi.

Dấu cộng trừ nhân chia phải hết sức cẩn thận. Rõ ràng. Căn, logarit…nên viết ra đằng sau, con số viết lên đằng trước. Đơn giản thế này, viết căn hai nhân 3, chỉ cần anh kéo dài dấu căn một chút, sẽ thành căn của hai nhân ba. Vì vậy nên viết ba lên trước, thành ba nhân căn hai thì anh có kéo dấu căn dài đến bao nhiêu cũng không sợ.

Trong bài thi, HS vẽ hình elíp, hình tròn đừng nên dùng compa, dễ bị rách giấy. Nên dùng thước có khoét sẵn hình tròn và hình elíp. Kích thước to nhỏ không quan trọng vì nó phụ thuộc vào việc mình đặt. Vẽ tay nhiều khi hình elip trông giống… củ khoai.

Sử dụng máy tính, trừ khi dùng thật thành thạo hãy sử dụng vào việc tính những hàm phức tạp. Có những người tính bằng máy tính xong lại phải tính bằng tay vì không tin tưởng vào kết quả đó, vừa mất thời gian vừa gây ức chế tâm lý.

Tiếp nữa là đừng dùng hai thứ mực, đừng dùng bút xoá vì như vậy có thể coi là đánh dấu bài. Nếu viết sai, các em cứ gạch đi viết lại.
Những điều cần biết cho thí sinh đi thi

Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp đã đến gần. Những kinh nghiệm và định hướng được tổng hợp dưới đây sẽ là những điều rất cần thiết cho HS trước khi vượt “vũ môn”.

 1.Nên tự học trước khi thi:

Sau nhiều năm học tập, HS cần có thời gian tự học để củng cố, nắm vững kiến thức, biến những điều đã học ở trường thành tri thức của mình. Luyện thi cấp tốc tại các lò luyện có thể tiếp cận nhiều thông tin nhưng dễ bị thụ động theo giáo án của giáo viên, bị tác động bởi trong môi trường ồn ào, xa lạ và sẽ mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi tới giờ học, rồi nghe những điều đã biết...

Tự học trước khi thi sẽ giúp bạn tập trung tâm trí, thời gian để ôn bài, bổ sung lỗ hổng kiến thức, phát hiện tìm tòi nhiều điều hay, tìm ra phương pháp làm bài khoa học. Tự học giúp bạn ghi nhớ kiến thức từng bài, từng phần một cách dứt điểm, lâu bền, sâu sắc và lô gíc, giúp thí sinh đi thi làm bài chính xác, ngắn gọn, sáng tạo, đạt điểm cao.

Để tự học có hiệu quả, cần có thái độ tự học nghiêm túc, có kỷ luật, nỗ lực hoàn thành mọi bài học theo kế hoạch đặt ra, luôn cầu thị, không tự bằng lòng với kiến thức đã có; biết sắp xếp thời gian hợp lý cho từng ngày, từng môn học; mỗi ngày nên học cả 3 môn thi và dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí phù hợp. Đừng lãng phí thời gian tán gẫu và những lo lắng không cần thiết.

Tự học phải toàn diện, không coi nhẹ bỏ qua nội dung nào, biết đầu tư thích đáng cho vấn đề trọng tâm; tổ chức hợp lý các hành động tự học, phối hợp các phương pháp tự học, đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi buổi học để nhận thức được vấn đề mới tiếp thu, vấn đề rộng hơn, sâu hơn.

 2.Chủ động, tự tin và nghiêm túc khi dự thi.

HS phải chủ động vào vốn kiến thức, không học tủ, học lệch, không làm “phao” để quay cóp, không trông chờ, ỷ lại vào người khác và càng không nên “ném tiền qua cửa sổ” lo lót chạy chọt để rồi “tiền mất tật mang”.

Để tạo thế chủ động, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống, thí sinh cần tập trung ôn luyện cho thật tốt; không hoang mang, lo ngại khi gặp thông tin mới lạ, không để tâm vào những đánh giá thiếu cơ sở của người khác về mình, càng không nên tin vào những lời đồn đại, bói toán. Không quá coi trọng đến việc phải thi và phải đỗ ngay vào ĐH, CĐ vì trên thực tế có rất nhiều con đường tiến thân và cũng có rất nhiều cơ hội để học lên cao.
3.Chuẩn bị chu đáo, an toàn cho chuyến đi thi: 
Thí sinh nên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, phương tiện cần thiết trước khi đi thi. Ngoài những giấy tờ, đồ dùng thiết yếu cho chuyến đi thi như: CMND, giấy báo thi, bút, thước, máy tính& thí sinh nhớ mang theo màn chống muỗi, đồng hồ báo thức và thuốc bổ để giữ sức khoẻ. Thí sinh ở xa đi thi bằng xe ca, tàu hoả cần chú ý cất giấy tờ và tiền cẩn thận để không bị mất cắp lúc đông người hoặc khi ngủ quên.

Nên thăm dò trước địa điểm thi để bố trí phương tiện, thời gian đi thi cho hợp lý; chủ động gặp thanh niên tình nguyện có mặt ở nhiều địa điểm công cộng để được hướng dẫn tìm nơi trọ, nơi ăn uống, sinh hoạt an toàn phù hợp; tìm trọ trong KTX hoặc trọ gần nơi thi, không nên trọ nơi quá đông người để không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, tâm lý.

Trong thời gian đi thi, thí sinh cần ăn đủ chất, không nên ăn uống ở các hàng quán tạm bợ ven đường vì những nơi này thường tranh thủ bán hàng trong vài ngày thi nên giá đắt và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 
4.Cần có phương pháp làm bài nhanh, chính xác và khoa học: 
Để bài thi hoàn thành kịp thời, đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề bài, thí sinh cần tư duy làm bài nhanh, đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng bài thi, thí sinh cần đọc kỹ đề thi, suy xét từng câu, từng ý và dành thời gian làm đề cương với đầy đủ các ý, các bước ra nháp trước khi làm bài.

Bài thi cần trình bày lô gích, rõ ràng, sạch sẽ, chi tiết nhưng ngắn gọn để được điểm cao; chú ý làm bài đầy đủ nhưng có sự sáng tạo, độc đáo để được cộng điểm. Làm bài thi lần lượt từ dễ đến khó; Nếu thấy người khác viết được nhiều hơn chớ có sốt ruột làm vội, làm ẩu; vì kết quả cao hay không là ở sự chính xác, đầy đủ, rõ ràng, sáng tạo chứ không phải viết nhiều.

Sau khi làm bài xong, thí sinh nên bình tĩnh xem xét lại toàn bộ bài của mình. Sau khi thi xong môn nào, thí sinh hãy tạm lãng quên để tập trung vào môn thi sau.



Theo hoigiasu